Tổng thống Obama Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq

Trong chiến dịch tranh cử vào năm 2008, Barack Obama cam kết sẽ rút lính Mỹ ra khỏi Iraq 16 tháng sau khi vào Nhà Trắng. Kế hoạch này, rút đi một lữ đoàn mỗi tháng, căn cứ vào quyết định của các chỉ huy Mỹ rằng điều đó sẽ không gây nguy hiểm cho số binh sĩ còn ở lại hoặc tình hình an ninh mỏng manh của Iraq. Tổng thống Obama đã có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tại Nhà Trắng vào ngày 24 tháng 2 năm 2009, và ông dự định sẽ đưa ra thông báo chính thức trong cùng tuần.

Vào thứ Tư, 25 tháng 2 năm 2009 các nhà chức trách Mỹ cho biết Tổng thống Obama dự định sẽ rút gần hết quân Mỹ khỏi Iraq trong vòng 19 tháng nữa và ông sẽ đưa ra thông báo chính thức trong cùng tuần. Khoảng 30.000-50.000 quân sẽ ở lại cho đến tháng 12 năm 2011 để tư vấn, đào tạo các lực lượng an ninh Iraq và bảo vệ các lợi ích Mỹ. Phần còn lại trong số 142.000 binh sĩ sẽ rút khỏi Iraq vào tháng 8 năm 2010, 19 tháng sau khi Obama tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2009. Khoảng 4.000 lính Anh dự trù triệt thoái là lực lượng sau cùng của Anh còn ở lại Iraq.

Đến thời điểm này, khoảng 4.250 lính Mỹ đã tử trận và 650 triệu Mỹ kim đã được chi dùng ở Iraq kể từ khi Washington DC và liên quân mở cuộc chiến lật đổ chính quyền Saddam Hussein vào tháng 3 năm 2003.

Các đơn vị Hoa Kỳ còn ở lại sẽ được tái phối trí theo sự phối hợp với giới chức Iraq để bảo đảm rằng các khu vực nguy hiểm nhất ở Iraq được bảo vệ. Tình trạng bạo động ở Iraq đã giảm hơn 90 phần trăm và đã ở mức thấp nhất kể từ Mùa Hè năm 2003, đồng thời cho rằng các cuộc khủng bố mới xảy ra là bằng chứng cho thấy thành phần al-Qaeda tại Iraq ngày càng tuyệt vọng.

Al-Qaeda và các thành phần khủng bố khác vẫn còn hoạt động, phiến quân có vẻ đang gia tăng các cuộc tấn công nhằm triệt hạ các tiến triển của chính phủ Iraq trong nỗ lực chuẩn bị cho cuộc bầu cử cấp tỉnh cũng như việc đạt thỏa thuận an ninh với phía Hoa Kỳ.

Rút 12.000 lính trước tháng 9 năm 2009

Vào Chủ Nhật, 8 tháng 3 năm 2009 giới chức quân sự Hoa Kỳ loan báo việc 12.000 quân Mỹ và 4.000 lính Anh sẽ rời khỏi Iraq từ lúc này đến tháng 9, chỉ ít giờ sau khi một tên khủng bố tự sát cho nổ bom cạnh các cảnh sát viên và những người mới được tuyển mộ đang xếp hàng trước cổng học viện cảnh sát, làm 32 người thiệt mạng.

Ðây là lần thứ nhì xảy ra cuộc tấn công lớn ở Iraq trong ba ngày trước đó và là cuộc khủng bố gây nhiều tổn thất nhân mạng nhất ở Bagdad kể từ gần một tháng trước đó, đồng thời cũng là một nhắc nhở về khả năng tấn công của phiến quân dù có sự cải thiện về tình hình an ninh trong khi quân đội Hoa Kỳ bắt đầu rút lui.

Theo Thiếu tướng David Perkins, việc rút quân sẽ giảm quân số chiến đấu của Hoa Kỳ từ 14 lữ đoàn xuống 12 lữ đoàn cùng với một số đơn vị hỗ trợ. Phía Hoa Kỳ cũng dự trù chuyển giao 74 căn cứ và khu vực dưới quyền kiểm soát lại cho người Iraq vào cuối tháng 3 năm 2009 trong tiến trình rút quân.